SONG NGUYỀN DÂN VIỆT

Trang chủ » HÔN NHÂN GIA ĐÌNH » TẶNG GÌ? “TẶNG GIỜ” CHO NGƯỜI YÊU?

TẶNG GÌ? “TẶNG GIỜ” CHO NGƯỜI YÊU?

Trong Tâm Lý Thực Nghiệm, có việc tưởng viển vông nhưng rất cụ thể, thí dụ: (a) Bạn hãy coi mình như sống ở một hành tinh lý tưởng, không bệnh, không đói, không lo, không cực, không, không, v.v. (b) Lúc đó bạn sẽ dùng sức lực và thời giờ để làm gì? (c) Hãy ghi xuống giấy các điều bạn muốn làm trong hành tinh lý tưởng đó. (d) Trở lại hành tinh trái đất này, bạn hãy làm một hoặc hai điều bạn muốn làm ở hành tinh lý tưởng (Vì không ai đói, lạnh, thiếu thốn, nên khi gặp nhau thì bạn làm gì cho nhau? Dễ cười vui, hay cau mày nhăn mặt? v.v.)

      Làm cho người khác điều mà không đòi trả công, thì đó là trao tặng, quà tặng. Khi tặng mà có ẩn ý nhờ vả, thì dễ đưa tới hối lộ, lợi dụng nhau để thỏa mãn riêng tư.

Muốn yêu thì phải có ít là hai người, hay hai “hữu thể” để “tặng đi trao lại”. Như vì cảm nghiệm Chúa yêu mình khi là con gái, ngã xuống sông mà không chết đuối, nên cô Tin đi tu, thành Sơ, dâng hiến cả đời để phục vụ người cùi, rồi Sơ mắc bệnh cùi, cụt dần chân tay, máu me hôi hám, mà Sơ thật tươi vui. Hoặc Thánh Damien chết cho người cùi ở Molokai, Hawaii. Hay Đức Cha Cassaigne rời bỏ Sàigòn lên sống chết với người cùi Di Linh, v.v.

      Còn Chúa thì yêu bạn, yêu tôi, yêu con người, nên Chúa tặng hoa lá xanh tươi, sông núi chập chùng, bình minh rạng rỡ cho chúng ta ngưỡng mộ. Tặng đất sinh măng cầu, khế chua, đủ loại trái thơm ngon. Tặng. Tặng… “Hành tinh lý tưởng” chỉ cần cho con người, còn Chúa toàn năng, là tác giả của mọi hành tinh, nên Ngài không hề đòi hỏi quà tặng vật chất nào từ con người. Tuy nhiên vì “Chúa là Tình Yêu”, mà “yêu là tặng, là trao ra cho người khác”, nên Chúa mong chúng ta tặng lại cho Chúa qua con người, đó là “lấy tình yêu đáp trả tình yêu”. Có thể dùng vật chất (bóc trái cam cho vợ bị đau trong nhà thương) như phương tiện để diễn tả tình yêu, nhưng trái cam không phải là tình yêu.

Về điểm (d) ở trên “Trở lại hành tinh trái đất này, bạn hãy làm một hoặc hai điều bạn muốn làm ở hành tinh lý tưởng”, chúng ta có cách “tặng Chúa bằng cách tặng người”. Đó là tặng vợ/con, tặng tha nhân, như Sơ Tin, Thánh Damien, hay Đức Cha Cassaigne đã tặng.

Việc chính yếu trong quà tặng, hay mục đích của quà tặng là gì? Ở đây trả lời qua truyện cụ thể về một bà trao nhẫn, hột xoàn, vòng vàng, v.v. cho người “em nuôi” và bảo:

      “Đây là những quý vật mà anh đã tặng chị dịp cưới và nhiều dịp khác. Chị giữ mấy chục năm nay để chứng tỏ yêu thương chung thuỷ. Mới đây anh chị ‘tặng’ nhau thời giờ trọn một buổi, để nói về việc mà chị cần nhờ em giúp dùm. Sự thể là có lần chị đã nói với anh:

– Nếu anh cần em giữ những thứ này để chứng tỏ tình yêu, thì em giữ ngay. Nhưng nếu anh tin em, thì anh có buộc em phải giữ nó không? Anh biết là nhiều người đói khát, giá lạnh, nghèo khổ. Họ cần tiền bạc để giữ mạng sống…

      Anh sát lại gần chị, nói giọng thành thật mà hài hước:

– Bà thánh lý tưởng của anh ‘phán’ sao, thì anh theo vậy. Theo vợ chứ theo ai mà sợ! Anh hết cả sợ Chúa vì em luôn yêu Chúa. Yêu thì hết sợ. Em đã giúp anh yêu Chúa!

– Vậy em trao cho người em nuôi, bảo “nó” bán đi, tặng cho “người nghèo” đã hy sinh cả đời cho người khác, mà nay già nua, dễ lủi thủi…

      Anh chăm chú nhìn chị, hỏi: – Em nghĩ tới ai? Có phải…? Chị ngắt lời: – Em nói rồi, đó là các cha già trong nhà hưu.

      Đăm chiêu như nhớ điều gì, anh nói tiếp: – Có Cha Dòng Phanxicô khi nghe một anh chồng kêu lên trong Trại Phát-Xít ‘Vợ tôi, con tôi!’ vì anh bị gọi tên thuộc nhóm người phải xử tử, thì Ngài nhận chết thay. Chị xen vào: – Đó là Thánh Maximilian Kolbe!”

      Người “em nuôi” ôm lấy “chị nuôi”, thốt lên:

– Tuyệt vời cảnh “thuận vợ thuận chồng” để “Mến Chúa… tặng người”! Anh chị tặng thời giờ để gần gũi nhau, và cùng nhau tặng người theo Phúc Âm “Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta chịu tù đầy, các ngươi thăm viếng…” (cf. Mt. 25: 34-46). Anh chị làm theo mục đích của quà tặng tột đỉnh là “không tình yêu nào lớn hơn người chết cho bạn hữu”. Chúa tặng Máu Thịt Mình cho ta; còn anh chị tặng thời giờ cho nhau, tặng vật chất cho tha nhân là các cha già nua… Anh chị đang tặng chính Chúa!

Để “biếu tặng là dấu yêu thương”, thì phải tránh nghĩ tới điều mình ưa thích, mà cần nghĩ tới người nhận quà tặng có vui, có dễ gần lại với mình không. Người nhận sẽ vui, nếu qua món quà, người ấy cảm thấy người tặng đã rung động tâm tình và sở thích của mình. Anh nọ mua chục hoa hồng trắng đem về tặng vợ, bằng cách liệng trên bàn, nói thõng: “Muốn hồng thì hồng đấy! Sướng chưa?” Vợ thét lên: “Em thích hồng đỏ, mà anh mua hồng trắng, lại mai mỉa ‘sướng chưa’, thì sao vui vẻ sung sướng được!”

Vậy muốn đạt mục đích trong việc tặng, thì mình cần tặng có hồn hay vô hồn? Có tình yêu chân thật, hay lạm dụng người nhận, lạm dụng người nghèo (lạm dụng cả Chúa) để khoe khoang tự ái? Lúc đó được ý mình, mà mất ý vợ/chồng, mất ý người nhận quà tặng (mất cả Ý Chúa), như vậy trái tim người nhận sẽ xa cách hay xích lại gần nhờ quà tặng? Trong thêm khâm phục hay khinh bỉ? Như anh chồng kia mua căn nhà trị giá trên triệu đôla, tặng cho vợ trong ngày sinh nhật của nàng. Nhưng anh tặng không phải vì vợ mà vì mình; lạm dụng cơ hội để khoe mình “có” vợ đẹp như có món đồ đẹp trong tủ kiếng, “có” con khôn như có con “(chó) cún” khôn (!) Người vợ xé tan tành “Giấy Chủ Quyền”, không hề bước chân vào cái nhà sang trọng mà nàng gọi là “ nhà ô nhục tồi tệ”.

Một cách tặng hiệu nghiệm, đó là “Tặng Giờ”. Tặng thời giờ cho người khác là việc dễ mà khó, nhất là thời giờ cho người trong nhà. Nhiều cặp vợ chồng tặng thời giờ cho người khác dễ hơn tặng thời giờ cho nhau. Như khi có bạn tới chơi, thì vợ chồng có thể tiếp đãi vui vẻ thật lâu. Còn giữa vợ/chồng/con, thì chưa gần đã ngáp hoài! Như vậy, khung cảnh gia đình là mái ấm hay mái lạnh lùng? Nếu kéo dài cảnh “tha ma nghĩa địa” như vậy thì dễ chung thuỷ hay tan vỡ? Dầu xác còn gần nhau, nhưng làm sao bảo đảm được không ngoại tình trong tư tưởng? Như vậy, bạn đời nhen nhúm chán chường, đi tới mơ màng bất chính, là do lỗi mình hờ hững, không dành thời giờ một cách chân thật và tích cực cho bạn đời. Thế nào là tặng, là “dành thời giờ một cách chân thật và tích cực”?

      “Chân thật” là nếu ở bên bạn đời/con trong nửa tiếng hay một giờ, thì “trọn vẹn thời giờ đó” chỉ chú ý tới duy nhất một việc mà thôi, đó là “thành thật” muốn cho bạn đời/con được vui (quên cái vui của riêng mình đi). Một người đàn ông Việt nghèo tiền bạc, nhưng một bà Mỹ trẻ đẹp đã say mê ca tụng, đã tặng nhiều đồ đạc vật chất, rồi cưới ông để tặng cả tấm lòng và thân xác, lại bảo “không có đàn ông nào dồn hết tâm trí để chú ý đến tôi như ‘anh ấy – that guy’!”

      “Tích cực” là trong lúc tặng thời giờ, thì cần tự làm, hoặc làm chung việc gì đó mà bạn đời/con/cháu ưa thích hay có lợi/cần thiết. Bà nọ rất bận rộn, nhưng tuần nào cũng “tặng” mấy giờ để cùng con dâu dọn nhà, giặt đồ, ủi quần áo cho chính con dâu. Sau nàng thổ lộ “Má ơi, má thương con quá! Giá mà mẹ con…” Bà lảng sang chuyện khác vì không muốn nghe tiêu cực về bất cứ ai.

Những Khóa Tâm Lý, hoặc những Buổi Tĩnh Tâm Thực Nghiệm về Gia Đình, có điều khác với những Thuyết Giảng về Gia Đình, ở chỗ không trình bày lý thuyết trừu tượng, mà tạo khung cảnh cụ thể, để vợ chồng có thời gian gần nhau, cầm tay nhau trong kính trọng thành thật, cảm nghiệm trong tim phổi của mỗi người “cả hai thành một xương một thịt” (cf. Gen. 2: 24). Khi “tặng” thời giờ để ở với nhau một cuối tuần, vừa nói vừa nghe, vừa cùng nhau gần gũi Đấng “là Tình Yêu” (IJn. 4: 8), thì hàng trăm cặp đã biến hành tinh trái đất trở thành “hành tinh lý tưởng” theo “Cái Hay Ban Đầu” khi “đã xa cách, mà nay trở lại gần, -nên một- với nhau”.◙

Lm Phêrô Chu Quang Minh, SJ


Bình luận về bài viết này